Kiến thức cơ bản: Quần thể .
.- Quần thể là tập hợp các cá thể trong cùng một loài, sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời điểm nhất định, có khả năng sinh sản và tạo thành thế hệ mới.
- Trong quần thể có các mối quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh cùng loài.
+ Quan hệ hỗ trợ : Là mối quan hệ giữa các cá thể cùng loài hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sống như lấy thức ăn, chống lại kẻ thù, sinh sản....
Quan hệ hỗ trợ đảm bảo cho quần thể tồn tại ổn định, khai thác tối ưu nguồn sống của môi trường, làm tăng khả năng sống sót và sinh sản của cá thể (hiệu quả nhóm).
+ Quan hệ cạnh tranh : Khi mật độ cá thể của quần thể tăng lên quá cao, nguồn sống của môi trường không đủ cung cấp cho mọi cá thể trong quần thể ® các cá thể tranh giành nhau thức ăn, nơi ở, ánh sáng và các nguồn sống khác ; các con đực tranh giành con cái.
Quan hệ cạnh tranh làm cho số lượng và phân bố của cá thể trong quần thể được duy trì ở mức phù hợp với nguồn sống và không gian sống, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quần thể.
- Quần thể có các đặc trưng cơ bản :
+ Mật độ cá thể của quần thể : Số lượng cá thể của quần thể trên một đơn vị diện tích hay thể tích của quần thể. Mật độ cá thể có ảnh hưởng tới mức độ sử dụng nguồn sống trong môi trường, tới khả năng sinh sản và tử vong của quần thể.
+ Sự phân bố cá thể : Có 3 kiểu phân bố cá thể trong quần thể.
Phân bố theo nhóm hỗ trợ nhau qua hiệu quả nhóm.
Phân bố đồng đều góp phần làm giảm cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể.
Phân bố ngẫu nhiên tận dụng được nguồn sống tiềm tàng trong môi trường.
+ Tỉ lệ giới tính : Tỉ lệ giữa số cá thể đực và cái trong quần thể. Tỉ lệ giới tính thay đổi và chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố (điều kiện sống của môi trường, đặc điểm sinh sản, sinh lí và tập tính của sinh vật.....).
+ Nhóm tuổi : Quần thể có cấu trúc tuổi đặc trưng nhưng thành phần nhóm tuổi thay đổi theo loài và điều kiện sống. Có 3 nhóm tuổi chủ yếu : Trước sinh sản, sinh sản, sau sinh sản.
+ Kích thước quần thể : Số lượng cá thể (hoặc sản lượng hay năng lượng) của quần thể. Có hai trị số kích thước quần thể :
- Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần để duy trì và phát triển.
- Kích thước tối đa là giới hạn cuối cùng về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường.
Kích thước quần thể phụ thuộc vào sức sinh sản, mức độ tử vong, sự phát tán cá thể (xuất cư, nhập cư) của quần thể sinh vật.
- Tăng trưởng kích thước quần thể trong điều kiện môi trường không bị giới hạn (điều kiện môi trường hoàn toàn thuận lợi) : Quần thể có tiềm năng sinh học cao tăng trưởng theo tiềm năng sinh học (đường cong tăng trưởng hình chữ J).
- Tăng trưởng kích thước quần thể trong điều kiện môi trường bị giới hạn (điều kiện môi trường hoàn toàn thuận lợi) : Quần thể tăng trưởng giảm (đường cong tăng trưởng hình chữ S).
-Tăng trưởng của quần thể người : Dân số thế giới tăng liên tục trong suốt quá trình phát triển lịch sử. Dân số tăng nhanh là nguyên nhân làm chất lượng môi trường giảm sút.
- Khái niệm : Biến động số lượng cá thể của quần thể là sự tăng hay giảm số lượng cá thể của quần thể.
- Số lượng cá thể của quần thể có thể bị biến động theo chu kì hoặc không theo chu kì.
+ Biến động số lượng cá thể của quần thể theo chu kì là biến động xảy ra do những thay đổi có tính chu kì của môi trường.
+ Biến động số lượng cá thể của quần thể không theo chu kì là biến động mà số lượng cá thể của quần thể tăng hoặc giảm một cách đột ngột do những thay đổi bất thường của môi trường tự nhiên hay do hoạt động khai thác tài nguyên quá mức của con người.
- Quần thể luôn có xu hướng tự điều chỉnh số lượng cá thể bằng cách làm giảm hoặc kích thích làm tăng số lượng cá thể.
- Sự biến động số lượng cá thể của quần thể được điều chỉnh bởi sức sinh sản, tỉ lệ tử vong, xuất cư, nhập cư.
+ Khi điều kiện môi trường thuận lợi (hoặc số lượng cá thể quần thể thấp) → mức tử vong giảm, sức sinh sản tăng, nhập cư tăng → tăng số lượng cá thể của quần thể.
+ Khi điều kiện môi trường khó khăn (hoặc số lượng quần thể quá cao) → mức tử vong tăng, sức sinh sản giảm, xuất cư tăng → giảm số lượng cá thể của quần thể.
- Trạng thái cân bằng của quần thể : Quần thể luôn có khả năng tự điều chỉnh số lượng cá thể khi số cá thể tăng quá cao hoặc giảm quá thấp dẫn tới trạng thái cân bằng (trạng thái số lượng cá thể ổn định và phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường).
Kiến thức cơ bản: Cá thể và môi trường .
.- Nhân tố sinh thái (NTST) là những nhân tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống sinh vật.
- Có hai nhóm NTST cơ bản : Vô sinh và hữu sinh.
- Các nhân tố sinh thái tác động lên cơ thể sinh vật theo quy luật :
+ Quy luật giới hạn sinh thái : Mỗi loài có một giới hạn chịu đựng đối với một nhân tố sinh thái nhất định. Ngoài giới hạn sinh thái, sinh vật không thể tồn tại được.
- Nơi ở là địa điểm cư trú của các loài.
- Ổ sinh thái của một loài là một “không gian sinh thái” mà ở đó tất cả các nhân tố sinh thái của môi trường nằm trong giới hạn sinh thái cho phép loài đó tồn tại và phát triển lâu dài.
- Sự thích nghi của sinh vật với ánh sáng :
Thực vật thích nghi với điều kiện chiếu sáng của môi trường. Người ta chia thực vật thành các nhóm :
* Thực vật ưa sáng, có các đặc điểm :
+ Thân cây nếu mọc riêng lẻ thường thấp, phân cành nhiều, tán rộng ; cây mọc ở nơi nhiều cây thân cây cao, mọc thẳng, cành tập trung phần ngọn, lá và cành phía dưới sớm rụng.
+ Lá nhỏ, tầng cutin dày, màu nhạt, phiến lá dày, mô dậu phát triển, lá thường xếp xiên góc.
+ Lục lạp có kích thước nhỏ.
+ Cây ưa sáng có cường độ quang hợp và hô hấp cao dưới ánh sáng mạnh.
* Thực vật ưa bóng có các đặc điểm :
+ Thân cây nhỏ ở dưới tán các cây khác.
+ Lá to, tầng cutin mỏng, màu đậm, phiến lá mỏng, mô dậu kém phát triển, lá thường xếp xen kẽ nhau và nằm ngang so với mặt đất.
+ Lục lạp có kích thước lớn.
+ Cây ưa bóng có cường độ quang hợp và hô hấp cao dưới ánh sáng yếu.
* Thực vật chịu bóng :
Mang những đặc điểm trung gian giữa hai nhóm trên.
- Sự thích nghi của sinh vật với nhiệt độ : Theo sự thích nghi của động vật với nhiệt độ môi trường người ta chia làm hai nhóm :
+ Động vật biến nhiệt : Thân nhiệt biến đổi theo nhiệt độ môi trường.
+ Động vật hằng nhiệt : Thân nhiệt ổn định, độc lập với sự biến đổi của nhiệt độ môi trường.
Quy tắc về kích thước cơ thể: Động vật hằng nhiệt sống ở vùng ôn đới (khí hậu lạnh) thì kích thước cơ thể lớn hơn so với động vật cùng loài hay loài có quan hệ họ hàng gần nhau sống ở vùng nhiệt đới ấm áp.
Quy tắc về diện tích bề mặt cơ thể: Động vật hằng nhiệt sống ở vùng ôn đới có tai, đuôi và các chi... thường bé hơn tai, đuôi, chi ...của động vật ở vùng nóng.
- Sự tác động qua lại giữa sinh vật và các nhân tố sinh thái qua nhiều thế hệ hình thành ở sinh vật những đặc điểm thích nghi với các điều kiện khác nhau của môi trường về hình thái, giải phẫu, sinh lí và tập tính hoạt động.
Kiến thức cơ bản: Sự phát sinh và phát triển của sự sống .
. 1. Sự phát sinh sự sống
- Tiến hoá hoá học : quá trình hình thành các hợp chất hữu cơ theo phương thức hoá học dưới tác động của các tác nhân tự nhiên. Từ chất vô cơ → chất hữu cơ đơn giản → chất hữu cơ phức tạp
- Tiến hoá tiền sinh học : Hình thành nên các tế bào sơ khai từ các đại phân tử và màng sinh học → hình thành nên những cơ thể sinh vật đầu tiên.
- Hoá thạch là di tích của sinh vật để lại trong các lớp đất đá của vỏ trái đất.
Hoá thạch thường gặp là các sinh vật bằng đá (có thể là toàn bộ cơ thể, có thể là một phần cơ thể), các mảnh xương, mảnh vỏ sinh vật hoá đá, đôi khi là xác sinh vật được bảo quản trong băng tuyết, trong hổ phách. Một số sinh vật hiện nay, rất ít hoặc không biến đổi so với trước đây được coi là dạng hoá thạch sống.
- Vai trò của hoá thạch :
+ Hoá thạch là bằng chứng trực tiếp để biết được lịch sử phát sinh, phát triển của sự sống.
+ Là dẫn liệu quý để nghiên cứu lịch sử vỏ trái đất.
2. Sự phát triển sự sống đã trải qua các đại, các kỉ khác nhau được nghiên cứu nhờ hoá thạch
- Hoá thạch là di tích của sinh vật để lại trong các lớp đất đá của vỏ trái đất.
- Vai trò của hoá thạch :
+ Hoá thạch là bằng chứng trực tiếp để biết được lịch sử phát sinh, phát triển của sự sống.
+ Là dẫn liệu quý để nghiên cứu lịch sử vỏ trái đất.
- Phân tích được mối quan hệ giữa điều kiện địa chất, khí hậu và các sinh vật điển hình qua các đại địa chất theo sách giáo khoa.
- Bằng chứng về nguồn gốc động vật của loài người :
+ Bằng chứng giải phẫu so sánh : Sự giống nhau về các đặc điểm giải phẫu giữa người và động vật có xương sống và đặc biệt là với thú.
+ Bằng chứng phôi sinh học : Sự giống nhau về quá trình phát triển phôi giữa người và động vật có xương sống và đặc biệt là với động vật có vú.
- Sự giống nhau giữa người và vượn người :
+ Vượn người có kích thước cơ thể gần với người (cao 1,5 – 2m).
+ Vượn người có bộ xương cấu tạo tương tự người, với 12 – 13 đôi xương sườn, 5 -6 đốt cùng, bộ răng gồm 32 chiếc.
+ Vượn người đều có 4 nhóm máu, có hêmôglôbin giống người.
+ Bộ gen người giống tinh tinh trên 98%.
+ Đặc tính sinh sản giống nhau : Kích thước, hình dạng tinh trùng, cấu tạo nhau thai, chu kì kinh nguyệt....
+ Vượn người có một số tập tính giống người : biết biểu lộ tình cảm vui, buồn....
Những đặc điểm giống nhau trên đây chứng tỏ người và vượn người có nguồn gốc chung và có quan hệ họ hàng rất thân thuộc.
3. Sự phát sinh loài người trải qua ba giai đoạn
- Người tối cổ : Chuyển từ đời sống trên cây xuống mặt đất. Đã đứng thẳng, đi bằng hai chân nhưng vẫn khom về phía trước, não bộ lớn hơn vượn người. Biết sử dụng công cụ thô sơ, chưa biết chế tạo công cụ lao động. Sống thành bầy đàn. Chưa có nền văn hoá.
- Người cổ : Đã có tư thế đứng thẳng, đi bằng hai chân, não bộ lớn. Đã biết chế tạo công cụ lao động, có tiếng nói, biết dùng lửa. Sống thành bầy đàn. Bắt đầu có nền văn hoá.
- Người hiện đại : Đã có đầy đủ đặc điểm như người hiện nay, nhưng răng to khoẻ hơn. Biết chế tạo và sử dụng nhiều công cụ tinh xảo. Sống thành bộ lạc, đã có nền văn hoá phức tạp, có mầm mống mỹ thuật, tôn giáo.
Kiến thức cơ bản: Nguyên nhân và cơ chế tiến hóa .
. 1. Thuyết tiến hoá của Lamac
a. Nguyên nhân tiến hoá
Do tác dụng của ngoại cảnh và tập quán hoạt động của động vật.
b. Cơ chế tiến hoá
Sự di truyền các đặc tính thu được trong đời sống cá thể dưới tác dụng của ngoại cảnh hay tập quán hoạt động.
c. Hình thành các đặc điểm thích nghi
Do ngoại cảnh thay đổi chậm chạp nên sinh vật có khả năng thích nghi kịp thời và không bị đào thải.
d. Qúa trình hình thành loài
Loài được hình thành một cách dần dần một cách liên tục, trong tiến hoá không có loài nào bị đào thải.
e. Chiều hướng tiến hoá
Nâng cao dần trình độ tổ chức của cơ thể, từ đơn giản đến phức tạp.
- Nêu được đóng góp quan trọng của Lamac là đưa ra khái niệm “tiến hoá”, cho rằng sinh vật có biến đổi từ đơn giản đến phức tạp dưới tác động của ngoại cảnh.
2. Thuyết tiến hoá của Đacuyn
a. Nguyên nhân tiến hoá
Chọn lọc tự nhiên thông qua các đặc tính biến dị và di truyền của sinh vật.
b. Cơ chế tiến hoá
Sự tích luỹ các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại dưới tác động của chọn lọc tự nhiên.
c. Hình thành các đặc điểm thích nghi
Là sự tích luỹ những biến dị có lợi dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên : Chọn lọc tự nhiên đã đào thải các dạng kém thích nghi, bảo tồn những dạng thích nghi với hoàn cảnh sống.
d. Quá trình hình thành loài
Loài được hình thành được hình thành dưới tác động của chọn lọc tự nhiên theo con đường phân li tính trạng.
e. Chiều hướng tiến hoá
Dưới tác dụng của các nhân tố tiến hoá, sinh giới đã tiến hoá theo 3 chiều hướng cơ bản : Ngày càng đa dạng phong phú, tổ chức ngày càng cao, thích nghi ngày càng hợp lí.
3. Thuyết tiến hoá tổng hợp hiện đại
a. Tiến hoá
Tiến hoá bao gồm tiến hoá nhỏ và tiến hoá lớn.
- Tiến hoá nhỏ là quá trình biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể (tần số các alen và tần số các kiểu gen) chịu sự tác động của 3 nhân tố chủ yếu là đột biến, giao phối và chọn lọc tự nhiên. Sự biến đổi đó dần dần làm cho quần thể cách li sinh sản với quần thể gốc sinh ra nó, khi đó đánh dấu sự xuất hiện loài mới.
- Tiến hoá lớn là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài.
b. Các nhân tố tiến hoá
Bao gồm đột biến, giao phối không ngẫu nhiên, chọn lọc tự nhiên, sự di nhập gen, các yếu tố ngẫu nhiên...
- Vai trò của quá trình phát sinh đột biến :
+ Đột biến là nguồn nguyên liệu sơ cấp của quá trình tiến hoá (đột biến gen tạo alen mới,...).
+ Đột biến làm biến đổi tần số tương đối của các alen (rất chậm).
- Vai trò của quá trình giao phối không ngẫu nhiên (giao phối có lựa chọn, giao phối gần và tự phối) đối với tiến hoá nhỏ:
+ Cung cấp nguyên liệu thứ cấp cho quá trình tiến hoá.
+ Có thể không làm thay đổi tần số các alen, nhưng làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng tăng dần tần số kiểu gen đồng hợp, giảm dần tần số kiểu gen dị hợp.
- Vai trò của di nhập gen :
+ Làm thay đổi tần số của các alen và thành phần kiểu gen của quần thể.
+ Có thể mang đến alen mới làm cho vốn gen của quần thể thêm phong phú.
- Tác động và vai trò của chọn lọc tự nhiên :
+ Chọn lọc tự nhiên phân hoá khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể với các kiểu gen khác nhau trong quần thể.
+ Chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên kiểu hình và gián tiếp làm biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể, biến đổi tần số các alen của quần thể theo một hướng xác định.
CLTN có thể làm thay đổi tần số alen nhanh hay chậm (tuỳ thuộc CLTN chống lại alen trội hay alen lặn).
Vì vậy chọn lọc tự nhiên quy định chiều hướng và nhịp độ tiến hoá.
- Vai trò của biến động di truyền (các yếu tố ngẫu nhiên) : Làm biến đổi tần số tương đối của các alen và thành phần kiểu gen của quần thể một cách ngẫu nhiên.
- Vai trò của các cơ chế cách li :
+ Ngăn cản các quần thể của loài trao đổi vốn gen cho nhau, do vậy mỗi loài duy trì được những đặc trưng riêng
+ Ngăn cản các quần thể của loài trao đổi vốn gen cho nhau ® củng cố, tăng cường sự phân hoá thành phần kiểu gen trong quần thể bị chia cắt.
Cách li sinh sản là các trở ngại trên cơ thể sinh vật (trở ngại sinh học) ngăn cản các cá thể giao phối với nhau hoặc ngăn cản tạo ra con lai hữu thụ.
Cách li sinh sản bao gồm cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử.
Cách li trước hợp tử bao gồm : cách li nơi ở, cách li tập tính, cách li thời gian (mùa vụ), cách li cơ học.
Cách li sau hợp tử : là những trở ngại ngăn cản việc tạo ra con lai hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ.
d. Hình thành quần thể thích nghi
Chịu sự chi phối của 3 nhân tố chủ yếu : đột biến, giao phối và chọn lọc tự nhiên. Quá trình đột biến và quá trình giao phối tạo ra nguồn nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên, chọn lọc tự nhiên sàng lọc và làm tăng số lượng cá thể có kiểu hình thích nghi cũng như tăng cường mức độ thích nghi của các đặc điểm bằng cách tích luỹ các alen quy định các đặc điểm thích nghi :
+ Sự tăng cường sức đề kháng của vi khuẩn tụ cầu vàng gây bệnh cho người.
+ Sự hoá đen của loài bướm Biston betularia ở vùng công nghiệp ở nước Anh.
- Các đặc điểm thích nghi chỉ mang tính hợp lí tương đối, vì ;
+ Chọn lọc tự nhiên duy trì một kiểu hình dung hoà với nhiều đặc điểm khác nhau.
+ Mỗi đặc điểm thích nghi là một sản phẩm của chọn lọc tự nhiên trong hoàn cảnh nhất định nên chỉ có ý nghĩa trong hoàn cảnh phù hợp.
Khi hoàn cảnh sống thay đổi, một đặc điểm thích nghi có thể trở thành bất lợi và được thay thế bằng đặc điểm thích nghi khác.
+ Ngay trong hoàn cảnh sống ổn định thì đột biến và biến dị tổ hợp không ngừng phát sinh, chọn lọc tự nhiên không ngừng tác động, do đó các đặc điểm thích nghi liên tục được hoàn thiện.
- Loài giao phối là một quần thể hoặc nhóm quần thể :
+ Có những tính trạng chung về hình thái, sinh lí. (1)
+ Có khu phân bố xác định. (2)
+ Các cá thể có khả năng giao phối với nhau sinh ra đời con có sức sống, có khả năng sinh sản và được cách li sinh sản với những nhóm quần thể thuộc loài khác. (3)
Ở các sinh vật sinh sản vô tính, đơn tính sinh, tự phối thì “loài” chỉ mang 2 đặc điểm [(1) và (2)].
e. Quá trình hình thành loài
Hình thành loài là quá trình cải biến thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng thích nghi, tạo ra hệ gen mới cách li sinh sản với quần thể gốc.
- Hình thành loài khác khu vực địa lí :
Vai trò của cách li địa lí làm ngăn cản các cá thể của các quần thể cùng loài gặp gỡ và giao phối với nhau. CLTN và các nhân tố tiến hoá khác làm cho các quần thể nhỏ khác biệt nhau về tần số alen và thành phần kiểu gen, đến một lúc nào đó sẽ cách li sinh sản làm xuất hiện loài mới.
- Hình thành loài cùng khu vực địa lí :
+ Hình thành loài bắng cách li tập tính và cách li sinh thái :
. Trong cùng một khu phân bố, các quần thể của loài có thể gặp các điều kiện sinh thái khác nhau.
. Trong các điều kiện sinh thái khác nhau đó, chọn lọc tự nhiên tích luỹ các đột biến và biến dị tổ hợp theo những hướng khác nhau thích nghi với điều kiện sinh thái tương ứng, dần dần hình thành nòi sinh thái rồi loài mới.
+ Hình thành loài bằng con đường lai xa và đa bội hoá :
+ Cơ thể lai xa thường không có khả năng sinh sản hữu tính (bất thụ) do cơ thể lai xa mang bộ NST đơn bội của 2 loài bố mẹ ->không tạo các cặp tương đồng -> quá trình tiếp hợp và giảm phân không diễn ra bình thường.
+ Lai xa và đa bội hoá tạo cơ thể lai mang bộ NST lưỡng bội của cả 2 loài bố mẹ -> tạo được các cặp tương đồng -> quá trình tiếp hợp và giảm phân diễn ra bình thường -> con lai có khả năng sinh sản hữu tính. Cơ thể lai tạo ra cách li sinh sản với 2 loài bố mẹ, nếu được nhân lên tạo thành một quần thể hoặc nhóm quần thể có khả năng tồn tại như một khâu trong hệ sinh thái -> loài mới hình thành.
g. Quá trình tiến hoá lớn
- Tiến hoá lớn là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài.
- Tiến hoá lớn diễn ra theo con đường phân li tính trạng : Từ một loài gốc ban đầu hình thành nên nhiều loài mới, từ các loài này lại tiếp tục hình thành nên các loài con cháu.
- Giới thiệu và phân tích được sơ đồ phân li tính trạng (SGK).
h. Chiều hướng tiến hoá
Dưới tác dụng của các nhân tố tiến hoá, sinh giới đã tiến hoá theo 3 chiều hướng cơ bản : Ngày càng đa dạng phong phú, tổ chức ngày càng cao, thích nghi ngày càng hợp lí. Trong đó thích nghi ngày càng hợp lí là hướng cơ bản nhất.
Sự phát triển của một loài hay một nhóm loài có thể theo nhiều hướng khác nhau : Tiến bộ sinh học, thoái bộ sinh học, kiên định sinh học.
Kiến thức cơ bản: Bằng chứng tiến hóa .
. - Sự tương đồng về nhiều đặc điểm giải phẫu giữa các loài là những bằng chứng gián tiếp cho thấy các loài sinh vật hiện nay được tiến hoá từ một tổ tiên chung.
Một số loại bằng chứng giải phẫu so sánh :
+ Cơ quan tương đồng : Là những cơ quan nằm ở những vị trí tương ứng trên cơ thể, có cùng nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi nên có kiểu cấu tạo giống nhau.
Cơ quan tương đông phản ánh sự tiến hoá phân li.
+ Cơ quan tuơng tự : Là những cơ quan khác nhau về nguồn gốc nhưng đảm nhiệm những chức phận giống nhau nên có kiểu hình thái tương tự.
Cơ quan tương tự phản ánh sự tiến hoá đồng quy.
+ Cơ quan thoái hoá : Là cơ quan phát triển không đầy đủ ở cơ thể trởng thành. Do điều kiện sống của loài đã thay đổi, các cơ quan này mất dần chức năng ban đầu, tiêu giảm dần và hiện chỉ để lại một vài vết tích xưa kia của chúng.
- Bằng chứng phôi sinh học :
Sự giống nhau trong phát triển phôi của các loài thuộc các nhóm phân loại khác nhau là một bằng chứng về nguồn gốc chung của chúng. Những đặc điểm giống nhau đó càng nhiều và càng kéo dài trong những giai đoạn phát triển muộn của phôi chứng tỏ quan hệ họ hàng càng gần.
- Nhiều loài phân bố ở các vùng địa lí khác nhau nhưng lại có nhiều đặc điểm cấu tạo giống nhau đã được chứng minh là có chung một nguồn gốc, sau đó phát tán sang các vùng khác. Điều này cũng cho thấy sự giống nhau giữa các loài chủ yếu là do có chung nguồn gốc hơn là do sự tác động của môi trường.
- Bằng chứng tế bào học :
Mọi sinh vật đều được cấu tạo từ tế bào, các tế bào đều được sinh ra từ các tế bào sống trước đó. Tế bào là đơn vị tổ chức cơ bản của cơ thể sống.
Tế bào nhân sơ và tế bào nhân chuẩn đều có các thành phần cơ bản : Màng sinh chất, tế bào chất và nhân (hoặc vùng nhân).
=> Phản ánh nguồn gốc chung của sinh giới.
- Bằng chứng sinh học phân tử :
Dựa trên sự tương đồng về cấu tạo, chức năng của ADN, prôtêin, mã di truyền... cho thấy các loài trên trái đất đều có tổ tiên chung.
dd_1